VietjetAir và Vector Aviation vừa hâm nóng thị trường vận tải hàng không bằng liên minh khai thác máy bay chở hàng. Điều này có vẻ như hợp thời điểm, khi thống kê của Cục Hàng không cho thấy tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường không của Việt Nam năm qua tăng trưởng hơn 16% so với năm 2010. Riêng con số năm 2012 dự kiến sẽ từ 15-20%.
3 bước hợp tác bay
Thị trường hàng không nội địa gần đây có nhiều biến động lớn, như Indochina Airlines đã biến mất, Trãi Thiên Air Cargo bị rút giấy phép do không chứng minh được năng lực tài chính. Mới đây, Jetstar Pacific gần như đã thuộc về Vietnam Airlines sau khi chuyển nhượng gần 70% vốn. Trong bối cảnh đó, tuyên bố “Giấc mơ bay của tôi sẽ được cất cánh trong năm nay”, của ông Đỗ Xuân Quang, Tổng Giám đốc Công ty Vector Aviation, một đơn vị thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Ngoại Thương (Vinafreight) đã làm dấy lên không ít phấn khích xen lẫn hoài nghi.
Nhưng tự tin như ông Quang không phải không có cơ sở. Năm qua, tình hình giao thương của Việt Nam có nhiều chuyển biến thuận lợi với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỉ USD. Nhờ đó, các hãng hàng không trong nước đã vận chuyển được hơn 219.000 tấn hàng hóa.
Các hãng nước ngoài cũng tích cực tham gia cuộc chiến giành thị phần vận chuyển hàng hóa. Đơn cử, CargoLux có 3 chuyến bay chở hàng đến TP.HCM và 2 chuyến đến Hà Nội, sử dụng loại máy bay chuyên dụng lớn nhất B747-400F, China Airlines (3 chuyến đến TP.HCM, 2 đến Hà Nội), Eva Air (2 chuyến đến TP.HCM), Hong Kong Airlines (3 chuyến đến TP.HCM), Korean Air (2 chuyến đến TP.HCM)...với tổng trọng tải hơn 100.000 tấn/tuần.
Báo cáo Đại hội Cổ đông năm 2011 của Vinafreight cho thấy, Vector Aviation, đơn vị được Vinafreight đầu tư hơn 90% vốn, đã làm đại lý cho 22 hãng hàng không nước ngoài với sản lượng khai thác và doanh số năm 2010 lần lượt tăng 45% và 100% so với năm 2009.
Đứng trước cơ hội lớn, Hội đồng Quản trị Vinafreight đã nhất trí tăng vốn từ 56 tỉ đồng hiện nay lên mức 160 tỉ đồng thông qua việc phát hành thêm 10,4 triệu cổ phiếu nhằm mục tiêu tăng 20% doanh thu và 30% lợi nhuận trong năm 2012. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng nhất là Vinafreight sẽ thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa, giao cho Vector Aviation khai thác từ quý II/2012.
Để thực hiện mục tiêu này, Vector Aviation đã lập ra kế hoạch gồm 3 bước. Đầu tiên, Công ty mua toàn bộ chỗ chở hàng (tương đương khoảng 2 tấn/chuyến) của các máy bay A320 thuộc VietjetAir trên các chặng nội địa, đồng thời trả luôn các chi phí phục vụ mặt đất, an ninh soi chiếu, bốc dỡ hàng hóa. “Tôi không thể tiết lộ mức giá bán trên mỗi chuyến bay, nhưng hiện tỉ lệ lấp đầy hàng hóa của chặng TP.HCM - Hà Nội và ngược lại là từ 70-80%”, ông Quang cho biết.
Như vậy, Vector Aviation thâm nhập thị trường nội địa trước, về lâu dài mới tiến ra thị trường nước ngoài. “Đây là bước đi bài bản vì chỉ trong năm 2011, doanh thu vận chuyển hàng hóa của riêng khu vực miền Nam của Vietnam Airlines là hơn 1.500 tỉ đồng, trong đó mảng nội địa và quốc tế đều chiếm tỉ lệ 50%”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Dịch vụ Giao nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết.
Bước thứ hai của Vector Aviation được xem như sự mở rộng của bước đầu tiên. Nội dung chính của thỏa thuận hợp tác này được hiểu là Vector Aviation sẽ thuê giấy phép vận chuyển hàng hóa của VietjetAir để đưa máy bay chuyên dụng chở hàng vào khai thác thị trường nội địa, sau đó sẽ khai thác cả các chặng bay quốc tế. Các máy bay chở hàng này sẽ mang logo của VietjetAir và hai bên sẽ cùng kinh doanh theo tỉ lệ thỏa thuận nhất định nhằm cắt giảm chi phí.
Trong bước cuối cùng, Vector Aviation sẽ đưa máy bay chuyên dụng vào hoạt động và chịu toàn bộ chi phí, từ thuê máy bay, phi công, sắm container chứa hàng, phí hạ cất cánh cho đến phục vụ mặt đất. Tuy nhiên, ở bước này, chi phí sẽ lớn hơn rất nhiều 2 bước trên. Do vậy, đây được xem là phương án kém khả thi.
Chỉ một đầu ra
Mặc dù tiềm năng lớn song để khai thác được, vốn vẫn là bài toán muôn thuở của ngành vận tải hàng không Việt Nam. Vector Aviation cũng không phải là ngoại lệ.
Vì cần vốn mà năm ngoái, vào lúc thị trường chứng khoán ảm đạm, giá cổ phiếu lao xuống dưới mệnh giá, Hội đồng Quản trị Vinafreight vẫn lên kế hoạch phát hành 10,4 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn lên 160 tỉ đồng. Trong đó có 3 triệu cổ phiếu dành cho đối tác chiến lược với giá không thấp hơn 25.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động đủ vốn để thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa. “Tình hình kinh tế khó khăn nên đến nay Vinafreight vẫn chưa thể phát hành 3 triệu cổ phiếu này cho đối tác chiến lược làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lập hãng hàng không dự kiến trong quý II/2012”, ông Quang thừa nhận.
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác từ 2-10 máy bay phải có tối thiểu 700 tỉ đồng nếu muốn mở đường bay quốc tế và 300 tỉ đồng nếu chỉ khai thác nội địa.
Thiếu vốn cũng là nguyên nhân thất bại của Indochina Airlines và Trãi Thiên Air Cargo trước đây. Bởi lẽ, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là lĩnh vực có thể gây lỗ tiền tỉ chỉ trong thời gian ngắn do đặc điểm của mô hình đầu tư này là trăm đầu vào nhưng chỉ có một đầu ra.
Đầu vào đáng kể đầu tiên là chi phí xăng dầu, vốn đang có xu hướng tăng. Tiếp đến, phí thuê máy bay cũng ngốn một khoản tiền không nhỏ. Nếu khai thác chặng ngắn từ TP.HCM đi Bangkok và quay lại TP.HCM bằng loại máy bay B737-300F với khả năng chở 18 tấn hàng thì nhà khai thác phải tốn ít nhất 35.000 USD chi phí vận hành bao gồm cả số tiền 10.000 USD/giờ thuê máy bay. “Nếu tỉ lệ lấp đầy hàng dưới 60% thì có thể bị lỗ”, ông Quang, Vector Aviation, cho biết.
Bên cạnh đó, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong nước hiện nay có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt, nhất là tuyến TP.HCM - Bangkok - TP.HCM, nơi Vietnam Airlines cùng 3-4 hãng nước ngoài đang thống lĩnh thị trường. Ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn của Vietnam Airlines, từng cho biết, Hãng đã xây dựng chiến lược vận chuyển hàng hóa bằng đội máy bay chuyên dụng. Tuy nhiên, đến nay Hãng vẫn chưa có động thái nào triển khai trên thực tế. Có lẽ, Hãng vẫn đang chần chừ trước những rủi ro lớn trong kế hoạch này.
|